Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, lây qua đường hô hấp do vi rút Sởi gây nên. Bệnh lan truyền nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước bắn ra từ mũi hoặc miệng
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, lây qua đường hô hấp do vi rút Sởi gây nên. Bệnh lan truyền nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước bắn ra từ mũi hoặc miệng của người bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi, cũng như qua tiếp xúc với các bề mặt mà vi rút đã lưu lại. Tất cả những người chưa có miễn dịch với Sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.
Người mắc Sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, phát ban. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... và có thể gây tử vong.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Sởi, do đó để chủ động phòng chống bệnh sởi, rubella, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
-
Đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh Sởi, ngay từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại Sởi mũi 2 + Rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại các trạm Y tế.
-
Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
-
Không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc Sởi.
-
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh Sởi.
TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU