sở Y Tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Bệnh viện phổi Phạm Hữu Chí
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Gọi ngay để được hỗ trợ trực tiếp 24/7

.
Hotline: 0254.3732939
. Gửi câu hỏi
Trang chủ

Tin sức khỏe

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
0254.3732939 https://zalo.me/0254.3732939 https://www.facebook.com/BVPPHC/ https://maps.app.goo.gl/aoDMiNFTvFSj7SYC6
.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng ngừa. Nhiều trường hợp mắc Sốt xuất huyết có diễn biến nặng dẫn đến tử vong do không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Được tạo vào ngày 27/05/2024 08:40

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng ngừa. Nhiều trường hợp mắc Sốt xuất huyết có diễn biến nặng dẫn đến tử vong do không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh Sốt xuất huyết. Mà muỗi vằn lại phát triển từ lăng quăng. Vì vậy, muốn phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết hiệu quả cần tiêu diệt, cắt đứt khâu trung gian truyền bệnh, nghĩa là thường xuyên tiêu diệt muỗi, tiêu diệt lăng quăng.

Muỗi vằn đẻ trứng ở các dụng cụ, vật dụng có thể chứa nước sạch, đặc biệt là nước mưa. Từ trứng, nở thành lăng quăng, phát triển thành nhộng, rồi thành muỗi vằn. Chu kỳ phát triển từ trứng thành muỗi vằn chỉ từ 7-10 ngày. Hiện nay miền Nam nước ta đã vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển làm tăng nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Thực hiện diệt lăng quăng hàng tuần: Đây là biện pháp quan trọng, đơn giản và hiệu quả nhất. Mọi người, mọi nhà cần đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt không cho muỗi đẻ trứng vào đó; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn như lu, khạp, bể nước, hòn non bộ để cá ăn lăng quăng; thay nước và cọ rửa bên trong các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn, lật úp các vật phế thải, vật linh tinh có thể chứa, đọng nước mưa như: gáo dừa, can nhựa hỏng, chum vại vỡ, vỏ xe cũ, hộp nhựa đựng đồ ăn, vv… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng vào đó; thay nước bình bông; bỏ muối vào chén nước kê chân tủ thức ăn để tiêu diệt trứng muỗi. Đặc biệt, các tổ dân cư, cộng đồng tổ chức dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ các vật phế thải, linh tinh có thể chứa, đọng nước mưa quanh nhà và tại các khu đất trống gần nhà; các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng cần chú ý công tác diệt lăng quăng bằng cách loại bỏ nơi sinh sống, đẻ trứng của muỗi ở các vật có thể chứa, đọng nước tại các công trường.

Để phòng muỗi chích: Mọi người cần ngủ mùng, kể cả ban ngày; mặc quần, áo dài tay, dùng hương muỗi, kem xua muỗi, dùng rèm/màn che muỗi; dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, chú ý dọn dẹp khu vực treo quần áo, những góc tối, khu vực chứa nhiều đồ linh tinh không tạo điều kiện cho muỗi trú ngụ.

Để diệt muỗi: nên dùng vợt điện diệt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; dùng rèm/màn che tẩm hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết.

Các trường hợp có biểu hiện nghi mắc sốt xuất huyết như: sốt cao đột ngột, liên tục, dùng thuốc hạ sốt không bớt hoặc có bớt ít sau lại sốt tiếp; xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam…Cần đến các cơ sở y tế để khám bệnh kịp thời, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Để huy động sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà máy, công trường xây dựng, của từng hộ gia đình và mọi người dân tự giác, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại nơi ở, nơi làm việc, nơi học tập. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế chủ trì, phát động toàn tỉnh ra quân 2 chiến dịch diệt lăng quăng vào tháng 5 và tháng 9, đây là những điểm nhấn, tạo dư luận và hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, kêu gọi sự ủng hộ, chung tay của cả cộng đồng đối với công tác phòng chống dịch bệnh, trên cơ sở đó, các địa phương tăng cường thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng thường xuyên hàng tuần, hàng tháng, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm.

Thực tế đã khẳng định, chỉ có khi nào mọi người dân cùng chung tay, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh thì khi đó dịch bệnh mới được khống chế và đẩy lùi, Vì sức khỏe của mỗi người, mỗi nhà và của cả cộng đồng, toàn dân hãy chung tay phòng, chống Sốt xuất huyết.

Không có lăng quăng – Không có muỗi vằn – Không có Sốt xuất huyết!

Bài viết cùng loại